Việt Nam Phi_tần

Ở Việt Nam, độ tuổi tuyển phi bắt buộc của nước ta là từ 13 đến 16 tuổi. Điều luật được thêm vào từ thời vua Hùng Vương trên các bia tự để lại đến tận thời vua Bảo Đại (Hoàng Việt luật lệ hay Nguyễn triều hình luật).

Lý - Trần

Đại Việt thông sử do Lê Quý Đôn biên soạn có đoạn viết:

Quốc thống nước ta nếu vẫn noi gương người xưa, phong tục cũ chưa đổi, có Đinh Tiên Hoàng năm Thái Bình nguyên niên lập năm Hoàng hậu, một là Đan Gia (丹嘉), hai là Trinh Minh (貞明), ba là Kiểu Quốc (矯國), bốn là Cồ Quốc (瞿國), năm là Ca Ông (歌翁)[6]. Lê Đại Hành năm Thiên Phúc thứ ba lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu (大勝明), cùng với Phụng Càn Chí Lý (奉乾至理), Thuận Thánh Minh Đạo (順聖明道), Trịnh Quốc (鄭國), Phạm Hoàng hậu là năm Hoàng hậu[7]. Lý Thái Tổ lập sáu Hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là Lập Giáo hoàng hậu (立教), quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác[8], đến tháng 3 năm Thuận Thiên thứ bảy lại lập thêm ba Hoàng hậu nữa là Tá Quốc (佐國), Lập Nguyên (立元), Lập Giáo (立教)[9][10]. Lý Thái Tông năm Thiên Thành nguyên niên lập bảy Hoàng hậu, có các bà họ Mai, họ Đinh, họ Vương, đến tháng 7 năm Thông Thụy thứ hai lập người thiếp yêu làm Thiên Cảm Hoàng hậu (天感)[11]. Lý Nhân Tông năm Thần Vũ thứ tư lập hai Hoàng hậu là Thánh Cực (聖極), Chiêu Thánh (昭聖)[12], đến tháng 1 năm Hội Tường Đại Khánh thứ sáu lại lập thêm ba Hoàng hậu nữa là Lan Anh (蘭英), Khâm Thiên (欽天), Chấn Bảo (震寶)[13]. Đều vì vấn vương dục tình mà đề cao vị hiệu, bắt chước thói xấu của người đời Lưu Thông nhà Hán, Thiên Nguyên nhà Chu[14].

.

Tục đa hậu của tiền nhân trái với lễ tiết rạch ròi giữa vợ đích, vợ thứ của đạo Khổng Mạnh, sử gia Lê Văn Hưu nhận xét:

Trời đất bao dung, nhật nguyệt chiếu tỏ, mới sinh thành vạn vật, nảy nở muôn loài, như Hoàng hậu cùng với Thần Cực thành đôi giai ngẫu, là bậc mẫu nghi đứng đầu nội cung mà cảm hóa thiên hạ. Tự cổ chỉ lập Hoàng hậu một người coi việc nội trị, chưa từng nghe nói lập đến năm người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà kẻ bề tôi đương thời lại không ai giúp sửa cho đúng, để chìm đắm trong tình riêng. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy cũng là từ Tiên Hoàng khởi xướng cái tệ rối loạn cương thường đó vậy.

.

Lý Thần Tông tháng 2 năm Thiên Thuận nguyên niên sách lập con gái của Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Sơn là Lý thị làm Lệ Thiên Hoàng hậu (儷天皇后)[15][16]. Do sự tiếp thu đạo Khổng Mạnh và lễ giáo cung đình phương Bắc hoặc bản thân tục đa hậu của tiền nhân vốn gây nhiều hệ lụy, các bậc Thiên tử trời Nam sau này chỉ lập một Hoàng hậu, giữ nết thuận tòng mà coi việc nội trị, tề chỉnh nghi lễ chốn cung nghiêm.

Đại Việt sử ký toàn thư - Kỷ nhà Lý ghi lại, năm Càn Phu Hữu Đạo thứ ba, Thái Tông ban chỉ dụ đặt phẩm cấp các cung nữ, Hoàng hậu và phi tần mười ba người, Ngự nữ (御女) mười tám người, Nhạc kỹ (樂妓) hơn trăm người[17]. Nội cung có bậc Nguyên phi (元妃)[18] đứng đầu các cung thiếp, chúng thiếp có các Thứ phi (次妃), lại gọi là Thần phi (宸妃)[19], Quý phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Hiền phi (賢妃)[20] và các Phu nhân (夫人). Hoàng hậu và phi tần lệ được ban hai mỹ từ làm huy hiệu, như Lý Thần Tông có ba người thiếp yêu là Cảm Thánh Phu nhân (感聖), Nhật Phụng Phu nhân (日奉), Phụng Thánh Phu nhân (奉聖).

Họ Trần lập Hoàng hậu đều lấy chị em con chú con bác cùng họ, như các bà Nguyên Thánh Thiên Cảm (元聖天感), Khâm Từ Bảo Thánh (欽慈保聖), Thuận Thánh Bảo Từ (順聖保慈), Hiến Từ Tuyên Thánh (憲慈宣聖) và Huy Từ Tá Thánh (徽慈佐聖) đều là con gái trong tông thất. Chế độ nội cung ban đầu xếp đặt thứ bậc theo cách gọi của nhà Lý. Anh Tông đặt thêm hiệu vị cho các giai nhân nơi lầu quỳnh gác ngọc, như Bố lãm (㚴㜮) họ Vương được yêu quý mà sinh Công chúa Huệ Chân. Hai chị em họ Lê là cô của Lê Quý Ly, với vẻ đẹp sắc nước hương trời được Minh Tông sủng ái hơn cả. Người chị là Minh Từ (明慈)[21], em gái cùng mẹ với bà Hiến Từ[22], được yêu chiều mà sinh ra Hiến Tông và Nghệ Tông, lấy làm Anh Tư Nguyên phi (英姿元妃)[23] đứng đầu các cung thiếp. Người em là Đôn Từ (惇慈)[24], được kén làm Sung viên (充媛), sinh ra Duệ Tông, sau được sách tặng Quang Hiến Thần phi (光憲宸妃)[25].

Lê - Trịnh

Nhà Lê sơ có lệ không lập Hoàng hậu, chỉ lấy bậc Quý phi đứng đầu giúp việc nội trị. Trong Đại Việt thông sử có đoạn viết: "Triều Lê ta gia pháp thuận đạo cương thường, kén chọn phi tần tất lấy con gái các dòng dõi công thần cùng con nhà hiền lương, mà lễ tiết phân biệt, tôn ty rạch ròi, không có cái tệ bất chính chốn buồng the của đời trước. Từ Thái Tổ không lập Hoàng hậu, lại trải năm đời vua, quen lấy đó làm phép thường. Các bà Cung Từ (恭慈), Tuyên Từ (宣慈), Quang Thục (光淑), Huy Gia (徽嘉) đều do tự quân lên nối ngôi mà tôn hiệu."

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại, Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) định rõ thứ bậc ở nội cung về danh phận cùng lệ cấp điền lộc, truy phong và ấm phong:

  • [Tam phi; 三妃]: Quý phi (貴妃), Minh phi (明妃), Kính phi (敬妃). Điền lộc được ban đất thế nghiệp 30 mẫu, ruộng 300 mẫu, bãi trồng dâu 60 mẫu, ruộng tế tự 150 mẫu. Truy phong nhị đại, cha phong Tả Đô đốc (左都督), mẹ phong Đoan nhân (端人), ông nội phong Đô đốc Đồng tri (都督同知), bà nội phong Thuận nhân (順人).
  • [Cửu tần; 九嬪]:
    • Tam chiêu (三昭) tức Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛). Điền lộc được ban đất thế nghiệp 24 mẫu, ruộng 200 mẫu, bãi trồng dâu 50 mẫu, ruộng tế tự 100 mẫu. Truy phong nhất đại, cha phong Đô đốc Đồng tri (都督同知), mẹ phong Thuận nhân (順人).
    • Tam tu (三修) tức Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛). Điền lộc được ban đất thế nghiệp 21 mẫu, ruộng 150 mẫu, bãi trồng dâu 45 mẫu, ruộng tế tự 90 mẫu. Truy phong nhất đại, cha phong Đô đốc Thiêm sự (都督僉事), mẹ phong Thục nhân (淑人).
    • Tam sung (三充) tức Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛). Điền lộc được ban đất thế nghiệp 20 mẫu, ruộng 100 mẫu, bãi trồng dâu 30 mẫu, ruộng tế tự 80 mẫu. Truy phong nhất đại, cha phong Đô đốc Chỉ huy sứ (都督指揮使), mẹ phong là Trinh nhân (貞人).
  • [Lục chức; 六職]: tức sáu chức cung giai là Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (容華), Tuyên vinh (宣榮), Tài nhân (才人), Lương nhân (良人), Mỹ nhân (美人). Điền lộc được ban đất thế nghiệp 18 mẫu, ruộng 70 mẫu, bãi trồng dâu 15 mẫu, ruộng tế tự 70 mẫu. Truy phong nhất đại, cha phong Tổng tri (總知), mẹ phong Huy nhân (徽人).

Nguyễn

Xem thêm thông tin: Hậu cung nhà Nguyễn

Hậu phi

Nhà Nguyễn theo lệ cũ nhà Lê sơ, để khuyết Trung cung với nhiều lý do, trừ các bà Thừa Thiên, người vợ tào khang theo phò Thế Tổ từ thuở hàn vi và Nam Phương, Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Từ Thánh Tổ đến Hoằng Tông chỉ kén người hiền đức giữ ngôi Phi đứng đầu giúp việc nội trị. Riêng bà Lệ Thiên là trường hợp đặc biệt, với danh phận hoàng tẩu của tân quân Hiệp Hòa được tôn huy hiệu Khiêm Hoàng hậu (謙皇后) theo cố mệnh của tiên đế Dực Tông.

Nội các triều Nguyễn - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại, vào đầu thời Nguyễn, thứ bậc nội cung được quy định:

  • [Tam phi; 三妃]: Quý phi (貴妃), Minh phi (明妃), Kính phi (敬妃);
  • [Tam tu; 三修]: Tu nghi (修儀) Tu dung (修容), Tu viên (修媛);
  • [Cửu tần; 九嬪]: Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪), Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪), Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪);
  • [Tam chiêu; 三昭]: Chiêu nghi (昭儀), Chiêu dung (昭容), Chiêu viên (昭媛)
  • [Tam sung; 三充]: Sung nghi (充儀), Sung dung (充容), Sung viên (充媛).
  • [Lục chức; 六職]: Tiệp dư (婕妤), Dung hoa (傛華), Nghi nhân (宜人), Tài nhân (才人), Linh nhân (靈人), Lương nhân (良人);

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ có chỉ dụ định lại thứ bậc ở nội cung: "Nay theo gương cổ nhân, đặt chín bậc phi tần ở nội cung, khiến cho chốn khuê môn trật tự phân minh, phong hóa tôn nghiêm, nối đến muôn đời. Từ hàng nhất giai trở lên thì đặt Hoàng quý phi giúp Hoàng hậu là ngôi chủ quỹ trong cung, cai quản mẫu mực sáu viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính."

Từ đó, các triều đều thiết lập hạng mức cung giai cố định, dưới Hoàng quý phi đặt ra các bậc:

  • Tần ngự có sách phong:
  1. Nhất giai phi (一階妃).
  2. Nhị giai phi (二階妃).
  3. Tam giai tần (三階嬪).
  4. Tứ giai tần (四階嬪).
  5. Ngũ giai tần (五階嬪).
  6. Lục giai Tiệp dư (六階婕妤).
  7. Thất giai Quý nhân (七階貴人).
  8. Bát giai Mỹ nhân (八階美人).
  9. Cửu giai Tài nhân (九階才人).
  10. Tài nhân vị nhập giai (才人未入階).
  • Tần ngự không có sách phong:
  1. Cung nhân (宮人).
  2. Cung nga (宮娥).
  3. Thị nữ (侍女)[26].
  • Dưới cùng là các bậc Nữ quan cùng Cung nữ, có trách nhiệm quản lý phục dịch trong cung ở Lục thượng (六尚).

Bậc Tần trở lên, qua các triều sẽ định riêng các huy hiệu, trước sau sẽ phân cao thấp trong cùng một bậc. Ví dụ chính năm Minh Mạng thứ 17, Thánh Tổ đã chiếu định các huy hiệu như sau:

  • Nhất giai: Quý phi (貴妃), Hiền phi (賢妃), Thần phi (宸妃).
  • Nhị giai: Gia phi (嘉妃), Thục phi (淑妃), Huệ phi (惠妃).
  • Tam giai: Quý tần (貴嬪), Hiền tần (賢嬪), Trang tần (莊嬪).
  • Tứ giai: Đức tần (德嬪), Thục tần (淑嬪), Huệ tần (惠嬪).
  • Ngũ giai: Lệ tần (麗嬪), An tần (安嬪), Hòa tần (和嬪).

Cùng lúc ấy, Thánh Tổ sách phong truy tặng bà nguyên phối là Chiêu nghi (昭儀) Hồ thị làm Thần phi, lấy tên thụy là Thuận Đức (順德), tấn phong Hiền tần Ngô thị làm Hiền phi, còn từ Trang tần trở xuống gồm 26 người.

Các danh hiệu không cố định mà thay đổi qua các triều vua hoặc trong cùng một triều. Ngay trong năm Minh Mạng thứ 17, sau khi bàn định rõ 5 bậc đầu có thứ tự như vậy, thì vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ có chỉ dụ thay đổi trong bậc Ngũ giai như sau: "Nguyên trước định lệ cung giai rằng, Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc Ngũ giai, nay đổi làm An tần, Hòa tần, Lệ tần".

Mặc dù nội cung triều Nguyễn được phân làm chín bậc nhưng số lượng cung tần mỹ nữ thời bấy giờ không nhiều. Thánh Tổ có số lượng phi tần nhiều nhất với 43 phi tần sinh hạ 162 người con được chép trong Nguyễn Phúc tộc thế phả, nhưng dưới niên hiệu Minh Mạng, cung tần mỹ nữ chốn nội cung, kể cả Nữ quan và Thị nữ có lẽ không quá 200 người. Như năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Kinh kỳ lụt to, Thánh Tổ xuống dụ: "Từ xưa đến nay lụt mùa thu, chưa bao giờ như thế. Nước là tượng âm, hoặc giả âm khí u uất mà thành ra thế chăng? Hiện nay cung nhân có danh vị chỉ có 16, 17 người, tất cả các ban chưa quá trăm người, đủ để sai khiến trong cung mà thôi."

Hoàng tử nhà Nguyễn khi đến tuổi trưởng thành được ban tước Công, phải xuất phủ kén vợ gọi là nạp phi hay nạp thiếp. Nàng dâu được triều đình cưới hỏi gọi là Phủ thiếp (府妾), nàng hầu gọi là Đằng thiếp (藤妾) hay Dắng thiếp (媵妾).

Nữ quan nội đình

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đặt Lục thượng (六尚) do các nữ quan đảm nhiệm, định rõ chức phận giữ nội chính cho được tề chỉnh. Sang năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), đặt thêm các cơ quan nhỏ trong Lục thượng để cai quản tỉ mỉ. Hoàn thiện thêm chế độ Lục thượng gồm:

  • Thượng nghi (尚儀), coi việc lễ tiết và giáo hóa điển phạm nội cung. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng nghi (掌儀), Chưởng lễ (掌禮). Bậc thứ gọi là Tư hương (司香), Tư chương (司章). Bậc trung gọi là Điển thư (典事), Điển hàn (典翰).
  • Thượng thực (尚食), sau đổi làm Thượng diên (尚筵), hầu ngự thiện và phụng tiến các thức ăn. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng diên (掌筵), Chưởng yến (掌宴). Bậc thứ gọi là Tư trà (司茶), Tư thiện (司膳). Bậc trung gọi là Điển soạn (典僎), Điển dao (典醪).
  • Thượng trân (尚珍), coi giữ ngọc châu, trân bảo. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng châu (掌珠), Chưởng ngọc (掌玉). Bậc thứ gọi là Tư kim (司金), Tư ngân (司銀). Bậc trung gọi là Điển hoàn (典鍰), Điển mân (典緡).
  • Thượng y (尚衣), phụng hầu mũ áo và coi giữ xiêm y bốn mùa. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng bào (掌袍), Chưởng cừu (掌裘). Bậc thứ gọi là Tư y (司衣), Tư phi (司緋). Bậc trung gọi là Điển nhu (典襦), Điển chẩn (典袗).
  • Thượng phục (尚服), coi việc màn trướng. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng duy (掌帷), Chưởng vi (掌幃). Bậc thứ gọi là Chưởng thường (掌裳), Chưởng đới (掌帶). Bậc trung gọi là Điển khâm (典衾), Điển nhục (典褥).
  • Thượng khí (尚器), sau đổi làm Thượng thảng (尚帑), coi giữ nội khố. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng trân (掌珍), Chưởng ngoạn (掌玩). Bậc thứ gọi là Tư thảng (司帑), Tư khí (司器). Bậc trung gọi là Điển cẩm (典錦), Điển thái (典采).

Lại đặt sáu cấp nữ quan:

  • Quản sự (管事) làm bậc thủ đẳng, lương bổng hằng tháng 6 quan tiền, 3 phương gạo.
  • Thống sự (統事) làm bậc thứ đẳng, lương bổng hằng tháng 5 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Thừa sự (承事) làm bậc trung đẳng, lương bổng hằng tháng 4 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Tùy sự (隨事) cùng Quản ban (管班) làm bậc á đẳng, lương bổng hằng tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Tòng sự (從事) cùng Lãnh ban (領班) làm bậc hạ đẳng, lương bổng hằng tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Trưởng ban (長班) làm bậc mạt đẳng, lương bổng hằng tháng 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo.

Điển lệ nội cung

Các phi tần vào chầu Hoàng quý phi ở nơi Viện của Hoàng quý phi, lần lượt Phi, Tần lễ chắp tay cung kính hai vái, Hoàng quý phi đứng đáp lễ một vái, còn từ Tiệp dư xuống đến Tài nhân, đều lễ ba vái, Hoàng quý phi không vái đáp lễ, rồi chiểu theo thứ bậc cung giai mà xếp đặt đến chỗ ngồi, không ngồi cùng chiếu với Hoàng quý phi. Khi hầu chuyện xong xin cáo biệt lui về, các phi tần chiểu theo lệ trước mà hành lễ. Hoàng quý phi nhân coi việc nội trị mà ngự đến lầu hồng, điện thúy của phi tần, việc lễ tiết và chỗ ngồi đều chiểu theo lệ trước. Còn Phi, Tần tiếp kiến nhau hay như Tiệp dư xuống đến Tài nhân tiếp kiến nhau, khi mới tiếp kiến hay cáo biệt về đều lễ chào một vái, đáp lễ một vái. Tiệp dư xuống đến Tài nhân yết kiến Phi, Tần đều chắp tay hành lễ hai vái, Phi, Tần đối với Tiệp dư đáp lễ một vái, còn từ Quý nhân trở xuống đều không đáp lễ, còn chỗ ngồi cũng xếp đặt theo thứ bậc cung giai. Tài nhân vị nhập giai xuống đến Cung nga, Thể nữ, khi đến chầu các phi tần, Tài nhân vị nhập giai lễ lạy các Phi, Cung nhân trở xuống quỳ lễ lạy các Tần, đều hành lễ một lạy rồi chiểu theo thứ bậc mà đứng hầu hai bên tả hữu. Khi bề trên hỏi chuyện thì kẻ dưới tôn kính thưa "dạ", "bẩm", đáp lời kẻ dưới thì bề trên nên "vâng" giữ lễ.
  • Nơi ở của các phi tần đều phân bố ra trong khu vực Lục viện (六院), gồm: viện Thuận Huy, viện Đoan Huy, viện Đoan Thuận, viện Đoan Hòa, viện Đoan Trang và viện Đoan Tường. Ngoài ra, cũng có các viện Lý Thuận (làm năm 1837), cải thành Tả Hữu tòng viện dùng để làm nơi cho các cung phi triều trước (vào năm 1841).
  • Các phi tần tiền triều có 4 lựa chọn chính sau khi Hoàng đế băng hà. Thứ nhất là theo lên lăng viên để thủ tiết, thứ hai là ở tại các hậu viện sau Phụng Tiên điện hoặc Bảo Định cung thờ phụng hương khói, cuối cùng là theo con trai ra ở trong tư phủ. Ba loại này đều do triều đình (hoặc tự người con) sẽ cấp lương nuôi sống. Một loại nữa là có thể thả về nhà, khi ấy có mất đi vì lý do gì, triều đình cũng không quản việc mai táng.